HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN VỀ SẢN XUẤT MÍT RUỘT ĐỎ THEO HƯỚNG HỮU CƠ

Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất vùng gò đồi, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đã tích cực tìm hiểu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Một trong những cây trồng được bà con nông dân lựa chọn để chuyển đổi là mít ruột đỏ, kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền về mô hình thâm canh mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm năm 2024 tại huyện Bố Trạch. Buổi hội nghị được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo bởi bà con trồng mít ruột đỏ trên địa bàn. Mít ruột đỏ được sản xuất theo hướng hữu cơ có chất lượng múi dày, thơm ngon, ngọt và màu sắc đẹp, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, được dán tem truy xuất nguồn gốc mã QR Code nên giá bán cao hơn các vườn mít ruột đỏ đại trà, giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Hình ảnh buổi Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự dẫn dắt bởi anh Lê Thuận Trung - phụ trách mảng Trồng trọt, lâm nghiệp và đào tạo tập huấn của đơn vị Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình

Năng suất, chất lượng cao

Nhận thấy hiệu quả từ cây mít ruột đỏ mang lại, nhiều hộ dân ở huyện Bố Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây kém chất lượng, giá trị kinh tế thấp trên vùng đất gò đồi sang trồng mít. Tại xã Cự Nẫm, hộ anh Bùi Anh Tuấn có 4 ha đất triển khai mô hình mít theo hướng hữu cơ đã mang lại thành công bước đầu. Đồng thời anh Tuấn là giám đốc của HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ tổng hợp Anh Tuấn đã liên kết với các hộ còn lại trong vùng tham gia mô hinh mít ruột đỏ. Anh Tuấn cho biết từ năm ngoái, HTX có hơn 1.500 cây mít ruột đỏ (khoảng 6 ha). Lứa mít vụ đầu tiên đã cho năng suất, sản lượng khá cao. Trung bình mỗi cây mít cho thu hoạch 2 quả, trọng lượng 8-10kg, với giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, lợi nhuận mang lại khoảng 500 triệu đồng/vụ.

Anh Bùi Anh Tuấn - giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ tổng hợp Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm thực hiên mô hình mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ của bản thân

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Sau một thời gian đưa vào thực hiện, mô hình mít ruột đỏ trên vùng đất gò đồi huyện Bố Trạch bước đầu đã cho thấy hiệu quả về sản lượng, chất lượng. Mặc dù vậy, mặt hàng trái cây thường bấp bênh về giá, thời gian thu hoạch, bảo quản không được lâu. Do đó, các hộ tham gia trồng mít vẫn còn lo lắng về thị trường đầu ra. Vì vậy, để mô hình trồng mít ruột đỏ thực sự đạt hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân thì việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất là việc làm vô cùng cần thiết. Nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm, chủ động thị trường tiêu thụ, nhiều hộ trồng mít trên địa bàn huyện Bố Trạch đã quan tâm đến quy trình sản xuất thâm canh, làm ra sản phẩm đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Về vấn đề này, anh Bùi Anh Tuấn chia sẻ, sản phẩm mít ruột đỏ của gia đình anh và cả HTX đang sản xuất theo chuẩn VietGAP, dự kiến sẽ xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Để bảo đảm đầu ra, anh Tuấn đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang. Mít sau khi thu mua tại vườn, sẽ được xử lý, chế biến và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ chuỗi liên kết này, anh Tuấn đã kết nối bao tiêu thêm sản phẩm mít cho các hộ dân tham gia liên kết sản xuất trong HTX trên diện tích khoảng 6 ha. Ngoài việc cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm, các hộ trồng mít trong chuỗi còn được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, cắt tỉa cành…

Mô hình trồng mít ruột đỏ đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ tổng hợp Anh Tuấn

Với sự cam kết của đơn vị cung cấp cây giống, đồng hành cùng người sản xuất từ khâu chuyển giao kỹ thuật, cách chăm sóc tới bao tiêu sản phẩm, người dân huyện Bố Trạch nói riêng, toàn tỉnh nói chung sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết sản xuất mô hình mít ruột đỏ vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, giá cả bao tiêu sản phẩm chưa ổn định, còn phụ thuộc vào thị trường theo từng thời điểm.

Hình ảnh sản phẩm mít được dán tem Truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: “Bước đầu, mô hình mít ruột đỏ trồng trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất thực thu bình quân cao, được bà con nông dân ủng hộ. Hiện tại, huyện đang tập trung phát triển mô hình mít ruột đỏ ở thị trấn Nông trường Việt Trung để xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương bởi thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với đặc tính của cây mít. Huyện sẽ chỉ đạo mở rộng mô hình theo hướng từ từ, nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, tránh thiệt hại không đáng có; đồng thời, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cũng sẽ được quan tâm triển khai…”.

Bài viết liên quan

backtop